Tương quan Na Tô Đồ

Từ khi Khang Hi liệt việc quản lý sông ngoài vào 1 trong 3 chính sách lớn, đốc phủ của 3 tỉnh Lưỡng Giang cũng bắt đầu tham dự vào các công trình trị thủy, và được giao cho trách nhiệm quản lý những sự vụ liên quan. Từ thời Ung Chính bắt đầu hình thành chế độ đốc phủ địa phương kiêm nhiệm Tổng đốc quản lý đường sông (Hà đạo Tổng đốc), đến thời Càn Long thì quan chế dần hoàn thiện, dẫn đến việc xuất hiện hiện tượng phần lớn Lưỡng Giang Tổng đốc đều là những chuyên gia trong việc quản lý sông ngoài. Na Tô Đồ là một trong số đó, bên cạnh Doãn Kế Thiện, Cao Tấn.[26]

Trong thời gian nhậm chức Lưỡng Giang Tổng đốc, Na Tô Đồ từng kiến nghị cho Càn Long việc xây dựng và cải biến pháo đài vùng duyên hải để tăng mạnh phòng thủ trên biển. Kiến nghị của ông được Hoàng đế phê chuẩn, sau khi thực hiện đã đem lại hiệu quả không tệ. Cũng trong khoảng thời gian này, có năm Giang Nam gặp đại hạn, Càn Long đã điều 30 vạn thạch thóc gạo từ Phúc Kiến đến để cứu giúp nạn dân. Na Tô Đồ đã đề xuất ý kiến rằng, những địa phương nào (trong khu vực quản hạt của ông) không xuất hiện tình trạng thiên tai, toàn bộ lương thực dùng trong việc thủy vận năm đó đều giữ lại để giúp đỡ nạn dân thiên tai; như vậy thì khu vực Lưỡng Giang không lo không có lương thực tiếp tế cho dân chúng. Na Tô Đồ cho rằng, Phúc Kiến là nơi phòng thủ biển quan trọng, tự bản thân lại không phải vùng sản xuất lương thực, vì vậy ông đã thượng tấu lên Càn Long xin chỉ giữ lại 1 phần 3 trong số 30 vạn thạch thóc gạo đó, 2 phần còn lại sẽ vận chuyển ngược về Phúc Kiến. Ý kiến và việc làm của Na Tô Đồ được Càn Long khen là có khí phách của đại thần nơi biên cương.